Cô Phạm Hà, Th Sỹ, ĐH Leuven, Bỉ, chia sẻ:"Tương lai mình sẽ gắn bó với các bạn học sinh lớp CENSIP"
Cô Phạm Hà,thạc sỹ Giáo Dục Học,ĐH Leuven, Bỉ (Top 100 trường hàng đầu thế giới), tốt nghiệp lớp Chất Lượng Cao tại Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Cô đã tham gia viết nhiều sách hướng dẫn học và giảng dạy Tiếng Anh. Cô được ETS, IIG cấp bằng chứng nhận về kỹ năng giảng dạy TOEFL iBT. Hiện tại cô đang giảng dạy khóa CENSIP (Fast Track For Teens) dành cho các bạn học sinh giỏi từ lớp 6-9 tại Anh ngữ ROADMAP. Xin mời cùng trò chuyện với cô Hà để hiểu thêm về khóa học này !
1. Hiện nay, các bậc phụ huynh thường rất chú trọng cho con em mình đi học ngoại ngữ (Tiếng Anh) nhưng băn khoăn không biết khi nào nên cho con học. Theo ý kiến của cô, trẻ học tiếng Anh ở lứa tuổi nào là tốt nhất ?
Đúng là hiện nay nhiều gia đình có điều kiện đã cố gắng cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm càng tốt, và không thể phủ nhận lợi ích của việc cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh sớm. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học ngoại ngữ sẽ thành công hơn khi trẻ đã nắm chắc tiếng mẹ đẻ. Chúng ta cần phân biệt với các trường hợp trẻ lớn lên trong gia đình đa sắc tộc, chẳng hạn bố là người Anh và mẹ là người Việt, thì họ có thể thành công trong việc dạy trẻ học nói đồng thời hai thứ ngôn ngữ này một cách thuần thục, thông qua cách người bố giao tiếp với trẻ bằng tiếng Anh, người mẹ giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt.
Còn trong trường hợp tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của bố mẹ thì nên đợi sau khi trẻ đã nắm chắc tiếng mẹ đẻ rồi mới nên cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh. Khả năng phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ cũng khác nhau nên cũng không có một độ tuổi cố định cho việc học ngoại ngữ. Nếu bố mẹ thấy trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt, thì có thể dạy ngoại ngữ sớm. Còn không thì cũng không nên ép trẻ. Nếu dạy ngoại ngữ khi trẻ còn chưa nói sõi tiếng mẹ đẻ thì có thể dẫn đến hiện tượng trẻ bị loạn, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
2. Được biết hiện tại cô đang giảng dạy khóa CENSIP - Khóa học dành cho các bạn thiếu niên từ 13-16 tuổi( bậc học THCS) tại Anh ngữ ROADMAP. Cô có thể nói cụ thể hơn về khóa học này không ạ?
Khóa học Censip là khóa học trung tâm Roadmap thiết kế đặc biệt cho các bạn học sinh Trung học cơ sở. Tên gọiCensip là lấy theo tên của Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trí tuệ (Censip) vì lứa tuyển sinh đầu tiên của khóa học này là các bạn học sinh tham gia Câu lạc bộ Thắp sáng trí tuệ Việt của trung tâm Censip. Sau đó thì cũng nhiều phụ huynh tín nhiệm và giới thiệu thêm bạn bè con em đến học nên đối tượng học sinh cũng mở rộng hơn.
Mục tiêu của khóa học là học sinh sẽ có đủ trình độ tiếng Anh để tham dự các khóa học quốc tế nếu gia đình có nguyện vọng cho học sinh đi du học từ cấp 3, hay khả năng tiếng Anh vững chắc để học sinh có thể tự tin vượt qua các kỳ thi tuyển sinh ở cấp 3, đại học, và sử dụng tiếng Anh một cách thuần thục sau này. Nội dung học và phương pháp cũng được thiết kế đặc biệt để nâng cao tính tự chủ và hứng thú học tập cho học sinh.
3) Cô có thể chia sẻ một số khó khăn khi dạy các học viên nhỏ tuổi được không ạ?
Một trong những khó khăn của việc dạy học viên nhỏ tuổi là việc đầu tư thời gian tổ chức các hoạt động trên lớp. Do khả năng tập trung của học viên nhỏ tuổi không tốt bằng người lớn, nên các hoạt động không nên kéo dài, và nên phải thay đổi thường xuyên, để giúp trẻ hứng thú và không cảm thấy mệt trong quá trình học tập. Một đòi hỏi nữa là tìm hiểu sở thích, mối quan tâm của các bạn học viên nhỏ tuổi này. Tuổi thơ của các em chắc chắn khác với những gì tuổi thơ của mình đã trải qua, nên phải tìm hiểu xem bây giờ các em thích đọc truyện gì, thần tượng nhân vật gì để có thể gần gũi và hiểu các em, và lồng ghép các nội dung này vào bài học để các em cảm thấy hứng thú hơn.
4. Trong khóa học, trẻ thường hay mất tập trung dẫn đến hiệu quả học không cao. Vậy trong quá trình giảng dạy cô có phương pháp gì để các bạn học viên nhỏ tuổi CENSIP tập trung vào bài học mà không "quay ngang quay ngửa" ?
Đây cũng là một khó khăn nữa trong việc dạy đối tượng học sinh bé, vì một khi đã quen bạn quen lớp thì trẻ sẽ mất trật tự, đòi hỏi giáo viên phải khéo léo trong việc quản lý lớp, duy trì kỷ luật, mà lại không tạo áp lực, căng thẳng cho trẻ. Bản thân mình thấy trẻ nói chuyện một chút cũng là điều tự nhiên, phù hợp với tâm lý phát triển của trẻ, miễn là mình vẫn kiểm soát được lớp, và trẻ vẫn học được. Để hạn chế việc trẻ “quay ngang quay ngửa” thì cần phải giữ trẻ liên tục làm việc bằng cách thay đổi các hình thức hoạt động, hay cho trẻ làm việc theo nhóm, mỗi hôm lại một nhóm bạn khác để tránh trường hợp buôn chuyện giữa các nhóm bạn thân, hay một trong các cách mình áp dụng là cho trẻ đổi chỗ bằng cách bốc thăm, bốc được tên bạn nào thì đổi sang ngồi vị trí của bạn đó. Bốc thăm là một cách rất hay mà mình hay áp dụng, vì trẻ có quyền lựa chọn, và không có cảm giác bị giáo viên áp đặt.
Tuy nhiên, khi việc “quay ngang quay ngửa” của trẻ ảnh hưởng đến việc học thì mình cần nghiêm khắc nhắc nhở. Chẳng hạn có một trường hợp một học sinh vừa làm bài vừa tranh thủ đọc truyện, mình đã tịch thu quyển truyện. Lúc cuối giờ học sinh có xin lại nhưng mình đã không trả. Tuy nhiên sau này, khi bạn học sinh đó xuất sắc hoàn thành một nhiệm vụ bài tập, và mình có hứa hôm sau sẽ tặng quà, thì em đó đã rất bất ngờ khi nhận được món quà là quyển truyện đã bị tịch thu. Lúc cần thì mình sẽ nghiêm khắc để học sinh biết là đã mắc lỗi, nhưng sau đó sẽ tạo cơ hội để các em có thể sửa chữa.
5. Bên cạnh những khó khăn khi dạy các bạn học viên nhỏ tuổi chắc hẳn cô có rất nhiều thuận lợi ?
Chắc chắn rồi em ạ. Khó khăn thì có nhiều nhưng dạy các em học sinh lớp Censip rất thích, vì các em ngoan, thông minh, dễ thương và rất thích học ngoại ngữ. Tất nhiên là các em cũng có nghịch, nói chuyện nhiều nên sau một buổi dạy khá là mất sức và mệt, nhưng nét nghịch của các em hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi nên mình không thấy lo ngại mà vẫn thấy vui vì các em học được. Theo quan điểm của riêng mình, việc học sinh hứng thú, tích cực, chủ động tham gia vào bài học là đã góp phần đáng kể cho thành công của bài học đó rồi.
Hơn nữa, thái độ tích cực của học sinh lớp Censip còn tạo hứng thú cho giáo viên, giúp họ cảm thấy yêu thích công việc giảng dạy và càng nỗ lực cố gắng làm tốt công việc này hơn. Mình coi khó khăn trong công việc này cũng như những thử thách mình cần vượt qua, mà qua đó mình tìm tòi sáng tạo và hoàn thiện bản thân hơn. Vì vậy, xét về khía cạnh nào đó, khó khăn cũng có thể coi như một thuận lợi, có tác dụng kích thích sự phát triển
6. Cô có thể chia sẻ một chút về dự định trong tương lai của cô được không ạ ?
Tương lai thì mình sẽ tiếp tục gắn bó với các bạn học sinh lớp Censip. Gắn bó với đối tượng học sinh nhỏ tuổi cũng cho mình nhiều trải nghiệm thú vị về quá trình phát triển tâm sinh lý cũng như phương pháp giảng dạy để chia sẻ với sinh viên. Trong số các em sinh viên sư phạm mình đang dạy ở đại học thì phần lớn các em, nếu có cơ hội trở thành giáo viên ngoại ngữ, sẽ làm việc với đối tượng học sinh ở các trường phổ thông, vì thế, mình muốn cung cấp nhiều kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ giáo viên tương lai này.
Xin cám ơn cô vì cuộc trò chuyện lý thú này. Chúc cô mạnh khỏe và công tác tốt !